Chiêm Tinh Học là gì? Cùng nhau tìm hiểu về Chiêm Tinh Học

0

Chiêm tinh học là phương pháp căn cứ vào sự phân bố của các sao trên bầu trời để dự đoán cát hung, có thể dự đoán vận khí của 1 quốc gia & cũng có thể luận đoán vận khí của người đời…

Bài viết dưới đây nêu ra những gì cổ xưa nhất, căn bản nhất về bộ môn Chiêm Tinh Học cổ đại đầy kỳ bì, mời các bạn cùng tham khảo…

Chiêm Tinh Học là gì ? & Nguồn gốc

Trong cuộc sống bầy đàn của người nguyên thủy tồn tại hai thế giới hoàn toàn trái ngược. Một cái là thế giới sáng sủa dưới ánh mặt trời chói chang, muông thú chạy nhảy, một cái khác là thế giới đen tối, tinh tú dày đặc. Thế giới sáng sủa đối với loài người thật ra không có gì đáng sợ. Hầu như hàng ngày về ban ngày họ đều đang tiến hành cuộc chiến đấu dũng cảm. Khi từng con thú hoang dã bị ngã xuống trước lưới rìu đá, mũi tên cung và những ngọn lao của họ, thì lòng tự tin của loài người liền được dựng lên.

Song đến đêm tối, loài người nguyên thủy lại hiện ra một cảm giác lo sợ. Bởi vì họ không có cách gì để chinh phục đêm tối, không có cách gì để chinh phục không gian đêm xa xăm.

Sự phát minh lửa đã chiếu sáng tất cả mọi thứ quanh mình, nhưng vẫn không có cách gì nhìn thấy rõ tất cả mọi thứ trong màn đêm đen tối. Sau khi quan sát vô số lần, người ta đã phát hiện ra những điều kì diệu của không gian ban đêm , thành thuộc quy luật biến đối của các vì sao.

Mặt trăng, vì sao lớn nhất, sáng nhất trên bầu trời ban đêm. Đương nhiên đây là kết luận trong tầm mắt của người nguyên thủy, luôn là vừa tròn vừa khuyết. Người xưa phát hiện mặt trăng tròn khuyết có quy luật nhất định với bốn mùa:

Mặt trăng cứ tròn khuyết 12 lần thì vừa đúng là bốn mùa. Như vậy, khái niệm của năm đã sản sinh và được quy định.

Sách “Thư Nghiêu điến” nói : “Khâm nhược hiệu thiên, lịch tượng nhật nguyệt tinh thần”.

  • “Lịch” ở đây chỉ chính là lịch pháp. Nghĩa gốc của “lịch” là ghi số.
  • “Tinh” là hằng tinh nhị thập bát tú.
  • “Thần” là Mặt trời và Mặt trăng gặp nhau.

Từ tư liệu này ở trên có thể nhìn thấy thời đại Vua Nghiêu, các nhà hiền triết Trung Quốc đã biết quan sát tinh tượng để báo giờ.
Lịch pháp trước thời Nghiêu là Hỏa lịch. Hỏa là Đại Hỏa, tức hai sao Tâm, Tú. Về sau lại phát triển thành lịch Thái dương (lịch Mặt Trời). Trước thời này không có khái niệm “thiên” (trời), chỉ đến thời Nghiêu mới có, người ta đã học được “lịch tượng nhật nguyệt tinh thần, kính thụ nhân thời” mới bắt đầu nhận thức “thiên”, nhận thức thời gian. Đây cũng chính là sự giải thích tốt nhất vì sao dùng “Thiên thời”.

Lịch pháp Trung Quốc dùng Thiên can Địa chi để biểu hiện. Thiên can biểu hiện ban ngày sáng sủa của Dương. Địa chi biểu hiện đêm tối của Âm. Ban ngày và ban đêm cũng vừa đúng là một ngày, cho nên mới có Thiên can, Địa chi.

 

Theo truyền thuyết xưa, Thiên can Địa chi là do Hiên Viên thời Thái cổ lệnh cho họ Đại Náo tạo ra. Mười Thiên can đại biểu ngày, mười hai Địa chi đại biểu tháng. Người đương thời chưa có khái niệm số trừu tượng, cho nên đành dùng một thiên can đại biểu một ngày. Thoạt đầu, can chi phối hợp là dùng đế biểu thị “năm”. Sáu mươi năm gọi là một hoa giáp, sau sáu mươi năm lại lập lại tính toán.

Mặc dù loại lịch pháp này rất vụng về, nhưng cuối cùng nó đã hoàn thành sự tiến bộ từ sao đến lịch, từ tượng đến số. Cần phải nói đây là có ý nghĩa Thời đại.

Sự ra đời của thuật Chiêm Tinh – Sự sùng bái các SAO

Người Trung Quốc xưa không những cho rằng thiên thời liên quan chặt chẽ với tinh tượng không thể tách rời. Mà còn cho rằng thiên thời tốt xấu chịu ảnh hưởng của tinh tượng trên bầu trời, nhất là các nhân vật lớn của giai cấp thống trị đại biểu ý chí của trời và sự kiện lớn xuất hiện đều có liên quan với tinh tượng, điều này đã này sinh ra thuật chiêm tinh.

Tư liệu sử cổ ghi chép : Họ Hiên Viên thời Thái cổ đã cử người chuyên chiêm tinh gọi là “Tinh quan”. Sách “Chu lễ” có một đoạn văn chuyên bàn về thuật chiêm tinh như sau :

“Họ Bảo Kinh nắm chức Chưởng Thiên tinh để ghi chép sự biến động của Mặt trời, Mặt trăng và các vì sao, để quan sát sự biến đổi trong thiên hạ phán đoán cát hung. Dùng các sao để phân biệt các vùng đất của Cửu châu (Trung Quốc), các khu vực được phân cấp đều có phân thành sao để quan sát các điềm lành dữ”.

 

Thuật chiêm tinh bắt nguồn từ sự sùng bái các sao của các bộ lạc nguyên thủy. Khi con người thời hoang sơ ngửa đầu lên nhìn bầu trời ban đêm, những chòm sao sáng lấp lánh chứa đựng đầy những điều thần bí đã thu hút nhiệt tình, lòng hiếu kì của loài người một cách sâu sắc.

Các vì sao trên trời vừa nhiều lại có thể phát sinh biến đổi. Quan sát lâu dài, cuối cùng cũng có thu hoạch, người ta phát hiện có tinh tượng có liên quan với nhân sự. Ví như về hàng hải và trồng trọt đều có thể xem một loại tinh tượng nào đó để quyết định. Các nhà hiền triết xưa cho rằng : Sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ chính là có liên quan tới việc lao động trồng trọt. Sao Cơ và sao Tất có liên quan với mưa gió.

Có một điều khá hứng thú là trong khi con Rồng cháu Rồng trên mảnh đất hoàng thổ nghiên cứu đối với tinh tượng, thì tổ tiên của người châu Âu ở phía kia của quả đất cũng đang chăm chú nhìn lên bầu trời để quan sát. Đây không phải là việc ngẫu nhiên.

 

Người cổ Hi Lạp xem các sao Thất diệu của cung Kim ngưu làm “các sao tiêu chuẩn” của hàng hải, chỉ có chờ khi nó xuất hiện trên bầu trời thì mới dám kéo buồm lên để chạy tàu thuyền. Đối với sự xuất hiện Sao Chổi và Sao băng, người phương Đông và người phương Tây đều biểu hiện hoảng sợ sâu sắc và nỗi lo ngại tột độ. Họ cho rằng đây là điềm báo trước tai hoạ sắp ập đến.

Trong lịch sử ở nước ta, các triều đại đều có quan chức chuyên quan sát tinh tượng, như các chức Tinh công, Khâm thiên giám. Họ “Tìm tòi và nhận biết sự gặp nhau của Ngũ tinh, Nhật (Mặt trời), Nguyệt (Mặt trăng), tai nạn xấu, điềm tốt, trong thuật này đều xuất hiện, đây là thuật đoán biết mệnh của Thánh nhân (sách ”Hán thư. Nghệ văn chí”).

Tinh bốc (bói sao) dự đoán cát hung, chỉ có thể giớị hạn ở nhân vật lớn, sự kiện lớn của giai cấp thống trị, còn người dân bình thường thì không thể dùng. Cho nên mọi quyết sách lớn và biện pháp thực thi về chính trị, quân sự trong lịch sử đều phải xem tinh tượng. Như Học giả Vương Sung thời Hậu Hán đã nói “Quốc mệnh có liên hệ với các sao. Các sao cát hung, nước có phúc họa, các sao chuyển dời, người có hưng suy”.

Sách “Tả truyện” đã từng ghi chép một câu chuyện như sau : Thời nước Ngô tấn công nước Việt, nhà Tinh bốc Sử Mặc bèn đoán, nói : không đầy 40 năm vượt nó chỉ có nước Ngô , nước Việt được Tuế tinh mà Ngô đánh nó thì ắt phải nhận lấy việc hung. Ông nói Tuế tinh ở nước Việt, quốc vận của nước Việt sẽ có thể hưng vượng, nước Ngô lại đến đánh nước Việt, tất nhiên phải tự nhận lấy tai họa đó. Về sau quả nhiên đã ứng nghiệm lời đoán của ông’.

Thời Hậu Hán, nhà Hán cử hai sứ giả vào đất Thục, viên lại Quán dịch là Lý Lân đã dự biết trước. Bởi vì hai sứ tinh là Thiên ất và Thái ất ở trên trời đều phân dã về phía ích Châu.

Theo người nguyên thủy, trên trời bủa giăng đầy sao, trên mặt đất cũng bủa giăng đầy người. Giữa sao và người có mối quan hệ kì diệu, sao và người là có thể biến đối với nhau.

 

Tiểu thuyết cổ điển ở nước ta và chuyện Thần thoại cổ Hi Lạp đều phản ánh quan niệm này. Quan niệm này đã hình thành tư tưởng triết học “Thiên nhân tương ứng” của Trung Quốc, đã xuyên suốt toàn bộ nền văn hóa cổ đại Trung Quốc. Thực tế “Kinh Dịch” cũng là xây dựng trên cơ sở này.

Các nhà hiền triết Trung Quốc đã cùng khảo sát thời gian và các sao ngang nhau. Thiên thời chính là thiên tượng hoặc tinh tượng. Gọi “Thời thần.” chính là chỉ thời gian và tinh tượng xuất hiện trong khoảng thời gian này. Từ đó ta có thể nhận ra sự trọng thị của các nhà hiền triết Trung Quốc đối với tinh tượng.

Từ trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, chúng ta có thể nhìn thấy, yêu cầu đối với tướng soái thời xưa là “Trên phải biết thiên văn, dưới phải tinh thông địa lí”. Gia Cát Lượng thời Tam quốc chính là tinh thông thuật Tinh bốc. Trước trận đại chiến Xích Bích ông đã từng có hai việc làm chấn động lòng người, đó là việc dùng thuyền cỏ mượn tên và mượn gió đông. Trên thực tế chính là ông từ tinh tượng biết được ngày hôm đó sẽ có sương mù và gió, Còn có một lần ông nhìn thấy phương Đông có một ngôi sao lớn rơi xuống, liền biết Quan Vũ chấn giữ Kinh Châu đã mất

Các sao chính và hàm nghĩa của nó

Để thuận tiện cho việc nhận sao và quan sát sao, các nhà hiền triết Trung Quốc đã xếp nhiều ngôi hằng tinh lại thành một nhóm, mỗi nhóm dùng một sự vật trên mặt đất để đặt tên, nhóm này sẽ gọi là một tinh quan. Đến thời Tam quốc, nước Ngô có một Thái Sử lệnh là Trần Trác đã tổng hợp các tri thức của những người trước lại biến thành một tinh đồ gồm 283 quan 1464 ngôi hằng tinh.
Muốn nhận biết thuật chiêm tinh của Trung Quốc, trước tiên cần phải có một số tìm hiểu đối với Tam viên, Tứ tượng, Ngũ vĩ, Thất diệu, Nhị thập bát tú :

Tam Viên

Tử vi, Thái vi và Thiên thị cũng là tinh tượng, các tinh sĩ và sử quan thường xuyên quan sát. Đến thời Tống, sách “Thông chí” của Trịnh Tiều mới bắt đầu gọi Tử vi, Thái vi, Thiên thị là Tam viên. Tam viên là chỉ ba khu vực sao

  • Thái vi là thượng viên có 10 ngôi sao
  • Tử vi là trung viên có 15 ngôi sao
  • Thiên thị là hạ viên có 25 ngôi sao.

Tử vi viên là lấy sao Bắc đẩu làm trung tâm tập hợp 7 sao Bắc đẩu và các sao xung quanh nó tạo thành một khu vực sao. Thái vi viên là chỉ khu vực sao bao gồm từ Tử vi viên về phía nam và các sao Trương, Dực, Chẩn về phía bắc. Thiên thị viên là chỉ khu vực sao gồm từ Thái vi viên về phía Tây và chỗ giao hội của 7 sao Thanh Long ở phương Đông và 7 sao Huyền Vũ ở phương Bắc về phía Bắc.

Các tinh sĩ đem Tam viên đối ứng lại với người đời và quy định nội dung nhân sự đối ứng với Tam viên, Tử vi viên là đối ứng với đế vương ở nhân gian, là đế tinh ở chỗ đó. Minh Lang Anh trong sách “Thất tu loại cảo. Thiên văn loại” đã giải thích “Tử vi viên” như sau :

“Tử là màu đỏ màu đen cùng hợp lại mà thành. Thiên viên gọi là Tử vi là chọn tượng hai màu nước và lửa giao nhau. Nước và lửa giao nhau, vạn vật dùng nó để sống. Vạn vật dùng nó để sinh sống là chúa tế của muôn loài. Vì thế Thiên viên có Thiên khu tinh và Thiên hoàng đế tinh. Cho nên nơi Thiên tử ở cũng gọi là Tử thần (chốn thâm nghiêm). Còn Vi lấy nghĩa của tinh vi. Bởi vì đế tinh nằm ở Tử vi viên, cho nên Tử vi viên nằm ở trung khu của các vì sao ở trên trời đối ứng với nhân gian. Đế vương chính là chúa tể của nhân gian. Thái vi viên đối ứng là Tam công cửu khanh, Thiên thị viên đối ứng là mười hai phong quốc thời Tây Chu (Tấn, Sở, Tề, Lỗ, Trịnh, Tần, Yên, Trần, Thái, Tào, Vệ, Tống). Đem Tam viên đối ứng lại với nhân sự, rõ ràng là lấy người đời tưởng tượng thiên thể, ngược lại lại dùng quan sát tinh tượng trên trời đối chiếu với người đời.”

Nhị Thập Bát Tú

Nhị thập bát tú còn có tên gọi là nhị thập bát xá hoặc Nhị thập bát tinh, là 28 khu sao người xưa chọn để so sánh sự chuyển động của vầng Nhật (Mặt trời), vầng Nguyệt (Mặt trăng) và Ngũ tinh làm tiêu chí để quan sát. “Tú” hoặc “xá” đều có ý nghĩa dừng lại. Tên gọi của Nhị thập bát tú theo hướng chuyển động nhìn thấy của Mặt trời và Mặt trăng thứ tự sắp xếp từ Tây sang Đông là:

  • Bảy sao ở phương Đông: Giốc, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ.
  • Bảy sao ở phương Bắc : Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích.
  • Bảy sao ở phương Tây : Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sấm.
  • Bảy sao ở phương Nam : Tỉnh, Quỷ, Liêu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn.

Nhị thập bát tú là tinh tượng men theo phụ cận đường Hoàng đạo và Xích đạo chia ra thành 28 bộ phận khác nhau, mỗi bộ phận sẽ gọi là một tú.

Đem nhị thập bát tú phân thành 4 nhóm, mỗi nhóm 7 sao, lần lượt lấy 4 phương vị đông, tây, nam, bắc và bốn màu sắc xanh, đỏ, trắng, đen và hình tượng của mấy loại động vật rồng, chim, hổ và huyền vũ (rùa và rắn) để phối hợp gọi là tứ tượng. Quan hệ đối ứng giữa chúng với nhau như sau :

  • Phương Đông, màu xanh, Thanh Long (rồng xanh) đối ứng với 7 tú (sao) là: Giốc, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ.
  • Phương Nam, màu đỏ, Chu tước đối ứng với 7 tú là : Tỉnh, Quý, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn.
  • Phương Tây, màu trắng, Bạch Hổ đối ứng với 7 tú là : Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sấm.
  • Phương Bắc, màu đen, Huyền vũ (rùa và rắn), đối ứng với tú là : Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích.

Ngũ Tinh – Ngũ Vĩ

Ngũ vĩ tức năm sao Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ lần lượt nằm ở năm phương vị Đông, Tây, Nam, Bắc.

  • Phương Đông Mộc tinh (sao Mộc) cũng gọi là Tuế tinh.
  • Phương Tây Kim tinh (sao Kim) còn gọi là Thái bạch.
  • Phương Nam Hỏa tinh (sao Hỏa) còn gọi là Huỳnh hoặc.
  • Phương Bắc Thủy tinh (sao Thủy) còn gọi là Thần tinh.
  • Trung ương Thổ tinh (sao Thổ) cùng gọi là Trấn tinh.

Ngũ tinh đều là hành tinh quay từ phải sang trái cho nên gọi là Ngũ vĩ. Các nhà chiêm tinh thời xưa cho rằng Mộc tinh (Tuế tinh) trong năm sao là cát tinh (sao tốt), nó vận động đến một khu sao nào đó, các châu, nước tương ứng với nó ở trên mặt đất sẽ được mùa ngũ cốc, dân yên nước thái bình. Hỏa tinh (Huyền hoặc) thì lại là tai tinh (sao tai hoạ), nó vận động đến một khu sao nào đó các nước châu tương ứng với nó sẽ phát sinh thiên tai nhân hoạ, những tai họa mà không có sức người nào có thể chống đỡ lại được.

Thất Chính Tứ Dư – Thất Diệu

Thất chính tứ dư cũng gọi là Thất diệu là tên gọi tổng hợp của vầng Nhật (Mặt trời), vầng Nguyệt (Mặt trăng) và ngũ tinh (năm sao) Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Thiên Tàn Cửu Tinh

Bến trời vắt ngang trên Hà Hán (Ngân hà) gồm 9 sao, sách “Tân thư. Thiên văn chí” viết : “Trong chín sao bến trời vắt ngang qua sông, một sao gọi là Thiên Hán, một sao gọi là Thiên Giang, chủ bốn cầu sông, cho nên đo sức thần thông của bốn phương”.

Chín sao bến trời vắt ngang qua Ngân hà, hình dáng của nó giống như chiếc cầu, cho nên thông thường còn gọi là cầu trời (Thiên kiều). Nó nằm giữa sao Cơ và sao Đẩu, phương vị của nó sẽ thay đổi theo sự thay đổi của bốn mùa.

Sao Thiên Cẩu

Sao Thiên cẩu, theo sách “Sử kí. Thiên quan thư” nói “hình dáng nó như sao bay lớn, có âm thanh, nó rơi xuống đến đất, giống như con chó”. Bởi vì nó kéo theo một cái đuôi, bên cạnh có chổi ngắn, khi rơi xuống giống hình dáng con chó, cho nên gọi là sao Thiên cẩu (chó trời). Minh Lang Anh trong sách “Thất tu loại cảo. Thiên địa loại” có ghi một điều về ”sao Thiên cẩu” :

Triều Nguyên Chí chính năm thứ 6, đài Tư thiên có tấu trình : Sao Thiên cẩu rơi xuống đất bắt đầu ở Sở, kết thúc ở Ngô bao khắp các vùng Tề, Triệu, nhưng không đến được Lưỡng Quảng. Để làm việc ăn máu nhân gian năm ngàn ngày. Khi đó ở núi Ngọc An tỉnh Vân Nam, bỗng nhiên sinh ra vô số con chó con màu hung đỏ, thành từng bầy đàn sủa khắp nơi hoang dã. Người quan sát nói : “Sao Thiên cẩu này rơi xuống đất có sức mạnh như đoàn quân lớn bao trùm khắp cả khu vực“. Lại theo các phụ lão kể lại Thái tổ sau khi lên ngôi vua, hàng ngày tại chỗ giết người giữa chợ, ban đêm có một con chó trắng lớn ăn máu. Theo ý của lớp người như Từ Thọ Huy, Hàn Sơn Đồng, Trần Hữu Lượng, Minh Ngọc Trân, Nghê Văn Tuấn thì đều nổi lên ở Hồ Tương (Hồ Bốc, Hồ Nam) mà ở Nam Trực, Ngô trung càng cực thịnh. Sau đó, bốn miền Sơn Thiêm, Điền (Vân Nam), Thục đều có hoạ binh đao, chỉ có Phúc Kiến và Lưỡng Quảng, Vương sư đến thì lập tức ra hàng. Lấy đó để xem thì chiêm nghiệm những lời truyền lại, lẽ nào lại không tin !

Sao Thiên Lang

Sao Thiên lang nằm ở phía Đông sao Tỉnh phía nam sao Tú, các Tinh sĩ cho rằng sao này chỉ sự tham lam tàn nhẫn, cho nên phần nhiều đều xem bọn xâm lược như là “Thiên lang”, vì thế người xưa mới có câu “Giương tên dài để bắn Thiên lang” (Thơ Khuất Nguyên” Cửu ca. Đông quân”), “Trông về Tây Bắc, bắn Thiên lang” (Tô Thức “Giang thành tử. Mật châu xuất lạp”).

Bột Tinh – Sao Chổi

Bột tinh tức Tuệ tinh, thường gọi là Sao chổi, bởi vì nó kéo theo một cái đuôi dạng cái chổi dài lê thê nên có tên như thế. Nó cũng quay xung quanh mặt trời giống như quả đất. Từ xưa đến nay, người ta đều xem sự xuất hiện của Sao chổi là một điềm chẳng lành. Sách “Hậu Hán thư. Luật lịch chí” đăng Thời Vương Mãng Địa Hoàng năm thứ ba” có Bột tinh ở phía Nam đất Trương, chuyển động năm ngày không thấy nữa. Bột tinh là do chính sách khí sinh ra, là loạn binh đao… Trương là thuộc đất Chu, Bột tinh bay ở phía Đông Nam đất Trương, tức địa phận 2 sao Dực, Chẩn. Dực Chẩn là đất Sở, là đất Chu và Sở sẽ có loạn binh đao. Một năm sau vào tháng giêng, Quang Vũ khởi binh ở Xuân Lăng”. Theo các nhà chiêm tinh Bột tinh được xem là ánh sáng của loạn binh đao, Bột tinh tiềm nhập vào sao Dực và sao Chẩn thì khu vực tương ứng với nó là nước Sở sẽ có dấu hiệu có loạn binh đao.

Phân dã với hiệu ứng Thiên trường

“Phân dã” bắt nguồn từ rất sớm, là một khái niệm của thuật chiêm tinh thời Thượng cổ. Các nhà chiêm tinh thời Xuân Thu cho rằng : Sự biến đổi của thiên tượng có liên quan với cát hung phúc hoạ của nhân gian, “Trời có ngũ tinh, Đất có ngũ hành”, thế là đem một bộ phận tinh tú nào đó trên trời đối ứng lại với một vùng đất nào đó trên mặt đất, đem sự biến đổi một bộ phận tinh tượng nào đó trên trời dùng để chiêm bốc cát hung phúc họa của nhân gian thuộc vùng đất đối ứng với nó.

Trải qua quan trắc lâu dài, các nhà hiền triết Trung Quốc đã chọn 28 tinh tú gần đường Hoàng đạo làm tham khảo, dùng để quan trắc sự biến đổi vận động của Mặt trời, Mặt trăng và Ngũ tinh. Nhị thập bát tú phân thành bốn vùng sao Đông Tây Nam Bắc, mỗi một phương đều là 7 tinh tú tạo thành hình dáng khác nhau, người xưa đã tưởng tượng những hình dáng thành những động vật tốt lành:

  • Phương Đông là Thanh Long (Rồng Xanh), bao gồm Giốc, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ
  • Phương Tây là Bạch Hổ (Hổ trắng) bao gồm Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sấm
  • Phương Bắc là Huyền Vũ (rùa và rắn) bao gồm là Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích
  • Phương Nam là Chu tước (Chim sẻ) có bảy tinh tú là Tĩnh, Qủy, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn

Vì nhu cầu của chiêm tinh, theo phương vị Nhị thập bát tú đóng, đem nhị thập bát tú đối ứng lại với các châu quốc trên mặt đất, việc đó được gọi là phân dã của tinh tú.

Ví như các sao Vĩ, Cơ đối ứng với nước Yên hoặc U châu. Thất, Bích đối ứng với nước Vệ hoặc Tinh châu. Dực, Chẩn đối ứng với nước Sở hoặc Kinh Châu v.v…. “Thiên thùy tượng, kiến cát hung, Thánh nhân tắc chi” (Trời xuất hiện các hiện tượng có báo trước điềm lành dữ, chỉ có bậc Thánh có thể đoán được việc đó. Sách “Dịch. Hệ từ”).

Việc xây dựng quan niệm phân dã, mục đích của nó chủ yếu là tiện cho các nhà chiêm tinh và Sử quan quan sát sự biến đổi của tinh tượng, để chiêm nghiệm mọi điềm cát hung phúc họa của các châu quốc đối ứng trên mặt đất. Việc xây dựng giữa sự biến đổi trên “Trời” với mọi hoạt động ở nhân gian thành một hệ thống chắc chắn là sự thể hiện tư tưởng “Thiên nhân tương ứng”. “Thiên” ở đây bao gồm toàn bộ thế giới tự nhiên ở bên ngoài nhân thể. Mục đích của Bát quái kết hợp với Nhị thập bát tú không có gì khác với thuyết phân đã, chỉ là cố hòng từ trên “Trời” để suy đoán mọi việc ở nhân gian, xây dựng nên một hệ thống tham khảo.

Các nhà thiên văn cổ đại đã tưởng tượng vùng trời Vũ trụ có một vòng tròn lớn gọi là Hoàng đạo, đồng thời đem chia đường Hoàng đạo thành 360 độ, ở trong vòng 8 độ hai bên sườn nó là miên Hoàng đạo, Nhị thập bát tú xếp đặt ở trên đó. Dùng bốn quẻ chính của Bát quái (Li, Càn, Khảm, Khôn) phân thành bốn phương bốn mùa. Bắc thần tượng trung Thái cực, Bát quái phân nạp 12 lần, 12 địa chi. Dùng Địa chi phân nhóm bố trí ở bốn phương để đại biểu cho bốn mùa 12 tháng, sau đó mỗi phương vị (mỗi mùa) phân nạp 7 tinh tú tạo thành quan hệ của Bát quái với tinh tú và Thời vị.

Mười hai Địa chi sắp xếp theo chiều thuận kim đồng hồ, còn Nhị thập bát tú thì sắp xếp theo chiều ngược kim đồng hồ.

  • Sao Phòng đóng tại Mão là Xuân phân.
  • Sao Mão tại Dậu là Thu phân.
  • Sao Hư tại Tí là Đông chí.
  • Sao Tinh tại Ngọ là Hạ chí.

Nguyên lí nội tại của hệ thống này rất khó dùng ngôn ngữ khoa học hiện đại để miêu tả ra được, nhưng có một điểm có thể khẳng định là nó nhất định có một điều cốt lõi bên trong hợp lí. Sách “Tố vấn. Cử thông luận” từ lâu đã chỉ ra rằng : “Người giỏi luận đoán về trời, tất sẽ có chiêm nghiệm về người.”

Theo tư tưởng của Thuyết toàn thông tin, tất cả mọi chuyển động của vũ trụ đều có thể tác dụng vào sinh mệnh trên quả đất ở mức độ khác nhau, từ đó trên thân thể các sinh mệnh trên quả đất đều lưu lại toàn bộ thông tin của nó. Trong chuyển động của các loại thiên thể vũ trụ phức tạp, chủ yếu lấy sự chuyển động của hai vầng Nhật (Mặt trời), Nguyệt (Mặt trăng) ảnh hưởng đến sinh mệnh trên quả đất là lớn nhất.

Sự chuyển động của Mặt trời đã hình thành biến đổi khí hậu nóng lạnh, sự chuyển động của Mặt trăng thì có sự thay đổi tròn khuyết, đồng thời chuyển động này của chúng biến đổi có chu kì. Tương ứng với nó sự vận hành khí huyết trong kinh mạch của nhân thể cũng có sự biến đổi có tính chu kì thịnh suy.

Ví dụ sự chuyển động biểu kiến của Mặt trời đã tạo nên sự thay đổi khí hậu bốn mùa. Khí trời ấm áp thì mạch nước trong đất cùng dễ lưu động, khí huyết trong người cũng dễ lưu thông. Ngược lại khi trời lạnh rét thì mạch nước trong đất cũng đông cứng. Còn khi huyết trong người cũng ngưng trệ không thông. Ví dụ rõ ràng nhất của ảnh hưởng chuyển động của Mặt trăng đến hoạt động sinh lí con người là kinh nguyệt của Phụ nữ. Thời gian thấy có kinh nguyệt cũng thống nhất với khí huyết thịnh suy của con người trong chu kì tháng.

Hệ thống vị trí Nhị thập bát tú được sáng lập trong quá trình xác định quy luật chuyển động của Mặt trời và Mặt trăng. Sau khi các nhà hiền triết Trung Quốc đem chúng hòa hợp lại với nhau trong dự đoán tự nhiên có thể phản ánh được quỹ tích chuyển động của Mặt trời và Mặt trăng, đồng thời cũng cố hòng dự tính được ảnh hưởng của Mặt trời, Mặt trăng trong trạng thái vị trí được chỉ định đặc biệt đối với nhân sự.

Ngoài chuyển động của Mặt trời, Mặt trăng ra, chuyển động của các thiên thể khác cũng có thể có ảnh hưởng nhất định, trong đó chủ yếu là chuyển động của hành tinh. Trong năm hành tinh lớn mà người xưa nhận biết được thì ảnh hưởng của Mộc tinh (sao Mộc) lớn nhất.

Thời xưa Mộc tinh còn gọi là Tuế tinh, khi Tuế tinh xung mạnh có sự can nhiễu tương đối lớn đối với hoạt động sinh mệnh của con người. Căn cứ Thiên văn học hiện đại đo được, ta biết khối lượng của Mộc tinh gấp 2,5 lần tổng khối lượng các hành tinh lớn khác trong Thái dương hệ, có từ trường lớn mạnh đặc biệt, bức xạ điện từ của nó đạt tới quả đất, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sinh mệnh trên quả đất.

Người xưa khi xem xét ảnh hưởng của hiệu ứng trường thiên thể đối với nhân sự, đã xem xét đẩy đủ đến tác dụng của Mộc tinh. Chu kì quay quanh Mặt trời của Mộc tinh là 11,86 năm, đối diện với một điểm gần Mặt trời nào đó, chu kì hội hợp chuẩn với quả đất là 12 năm. Trong 12 năm đó, quan hệ giữa Mặt trời, Quả đất và Mộc tinh nằm ở mấy trạng thái khác nhau, có thể cũng là một trong những nguyên nhân bên ngoài dẫn đến việc hình thành 12 đường kinh mạch trong thân thế con người.

Sự sản sinh và sắp xếp của Nhị thập bát tú vừa căn cứ vào “Trời”, lại căn cứ vào “Người”, vừa có thể từ trong quan hệ Trời Đất tìm thấy được ngọn nguồn của nó, lại có thể từ trong tổng kết sâu xa đối với phương thức hành vi loài người tiếp xúc với sự phát triển của nó, biểu thị rõ ràng hệ thống toạ độ hiệu ứng khác nhau của Trời đối với người với các vị trí khác nhau. Loài người đã sinh sống trong điều kiện vật đổi sao dời, ảnh hưởng của trường thiên thể đối với phương thức hành vi của loài người trong trạng thái khác nhau, so với những điều hiện nay chúng ta có thể nhận thức được còn rộng lớn hơn nhiều, cũng sâu xa hơn nhiều.

Ứng dụng thuật chiêm tinh trong quân sự

Thuật chiêm tinh dùng vào trong quân sự chủ yếu là dự đoán đối với khí tượng và chiến sự.

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” đã ghi chép câu chuyện Gia Cát Lượng quan sát thiên văn mà biết được trong tháng có mưa lớn tầm tã, không đánh mà thắng quân Ngụy : Tào Chân dẫn đại quân bốn mươi vạn đi cướp Thục, Gia Cát Lượng nghe được tin này sai Trương Nghi, Vương Bình mỗi người dẫn một nghìn quân đi cố thủ đường Trần Thương để ngăn chặn quân Ngụy.

Hai người nói : “Người ta báo quân Ngụy có 40 vạn, nói lừa là 80 vạn, thanh thế rất lớn, làm sao chỉ với 1000 quân mà đi giữ được cửa ải ? Nếu quân Ngụy đến đông hơn làm sao chống cự nổi nó ?”.

Gia Cát Lượng nói : “Ta muốn nhiều hơn nữa, nhưng sợ quân sĩ gian khổ quá”.

Trương Nghi, Vương Bình đều là những tướng có khả năng chinh chiến, nghe câu nói đó đành phải ngơ ngác nhìn nhau. Họ biết lấy hai ngàn đối chọi với 40 vạn chẳng khác gì lấy trứng chọi với đá, là mất mạng như chơi, cho nên đều không dám đi. Không ngờ Gia Cát Lượng lại như người không có việc gì xảy ra, chỉ thúc giục hai người đi :

“Nếu có điều gì sơ xuất thì các người không phải nhận tội, không cần phải nhiều lời, có thể nhanh chóng đi ngay”.

Hai người vẫn không dám đi, lại buồn rầu nói : “Thừa tướng muốn giết hai người chúng tôi, thì xin giết tai đây, là vì không dám đi”.

Gia Cát Lượng nhìn thấy hai người sợ hãi như vậy, cười mà nói rằng : “Sao mà lại ngu như thế ! Ta ra lệnh cho các người chờ đợi đi, tự có chủ kiến. Đêm qua ta ngửa trông thiên văn, thấy sao Tất vận hành vào vùng của Mặt trăng (Thái âm), trong tháng này tất nhiên có mưa lớn tầm tã. Quân Ngụy tuy có 40 vạn, đâu dám vào sâu vùng núi hiểm ? Vì thế không dùng nhiều quân, nhất định không chịu hại. Ta đưa đại quân đâu để ở Hán Trung, an cư một tháng, đợi quân Ngụy rút lui, lúc đó dùng đại quân để đánh úp nó. Dưỡng sức chờ đánh quân địch đã mệt mỏi, quân ta chỉ có 10 vạn cũng có thể thắng quân Ngụy 40 vạn được”.

Hai người nghe xong vui mừng khôn xiết, lên mệnh lệnh đi ngay. Tào Chân lên đại quân đến thành Trần Thương thấy không có đại quân phòng thủ, ra lệnh tiếp tục tiến quân. Phó đô đốc Tư Mã Ý can rằng : “Không nên khinh tiến. Đêm tôi xem thiên văn thấy sao Tất vận hành vào vùng của Mặt trăng (Thái âm), trong tháng này ắt sẽ có mưa lớn. Nếu đi sâu vào nơi trọng yếu, hễ thắng thì còn được, nếu có sơ xuất người ngựa chịu khổ, muốn rút lui cũng khó. Mà nên dựng lên lán trại ở trong thành để ở, đề phòng mưa dầm”.

Quả nhiên, chưa đầy nửa tháng trời đổ mưa lớn rầm rì liền suốt một tháng. Ngoài thành Trần Thương chỗ đất bằng nước sâu đến ba thước, quân khí ướt sũng hết, người không thể ngủ được ngày đêm không yên, ngựa thì không có cỏ ăn, người chết vô số, tiếng oán của quân sĩ không ngớt. Tào Chân và Tư Mã Ý đành phải rút quân. Gia Cát Lượng xem thiên văn biết có mưa to liên miên, dĩ dật đãi lao, không đánh mà vẫn thắng.

Thuật chiêm tinh với sự hưng suy Quốc Vận

Các nhà chiêm tinh Trung Quốc trong thực tiễn chiêm tinh lâu dài rất coi trọng đối với tinh tượng và vận nước, đồng thời tổng kết ra nhiều kinh nghiệm. Dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu mấy kiến thức về phương diện này.

Trung Thai Thường Xích

Các nhà chiêm tinh không những dựa vào biến đối tinh tượng để dự đoán thời tiết, mà còn dựa vào một số biến đổi của tinh tượng đế dự đoán cát hung của các khanh tướng. Trong hồi “Gò Ngũ Trượng Gia Cát cầu sao” của sách “Tam quốc diễn nghĩa” có một đoạn văn miêu tả về Gia Cát Lượng quan sát thiên văn :

“Đêm ấy, Khổng Minh gắng gượng đi ra ngoài trướng ngước nhìn thiên văn, vô cùng hoảng hốt, vào trong trướng bảo với Khương Duy : “Mệnh ta nguy đến nơi rồi !”. Duy nói : “Sao Thừa tướng lại nói như vậy ?” Khổng Minh nói : “Ta xem trong các sao Tam thai, sao khách tinh thì sáng lắm, sao chủ tinh thì u ám, các sao tướng phụ thì lờ mờ. Nhìn thiên tượng như thế, đủ biết mệnh ta !”

Sự biến đổi thiên tượng này, Tư Mã Ý cũng nhìn thấy, ông nói với Hạ Hầu Bá rằng :

”Ta thấy tướng tinh mất ngôi, Khổng Minh chắc hẳn có bệnh chẳng bao lâu sẽ chết”.

Về sau, ông lại xem thiên văn đêm nữa, thấy một ngôi sao lớn màu đỏ, tia sáng có sừng từ hướng đông bắc bay về hướng tây nam, rơi vào trong doanh trại Thục, ba lần sa xuống rồi lại vụt lên có tiếng kêu râm ran. Ông vừa lo vừa mừng thốt lên : “Khổng Minh đã chết rồi !”.

“Trung thai tinh thường xích” là nói sao Trung thai thường thường phân li, không thể hai tướng quốc ở lân cận nhau. Vì sao lại xuất hiện sự biến đối tinh tượng này ? Lang Anh dẫn lời của người khác nói : “Hoặc là trên dưới không hòa hợp nhau, hoặc là nguyên nhân trong triều không lập nổi Tể tướng”. Ông không phải là xuất phát từ sự biến đổi của bản thân tinh tượng đế tìm tòi, mà là cho rằng giữa Trời và Người không thể tương ứng. Ông cho rằng “Trung thai tinh thường xích” là tượng trưng cho sự chia rẽ của tổn thất.

Sao Thiên Quyền thường không sáng

Ngôi sao thứ 4 trong “Bắc đẩu thất tinh” là sao Thiên Quyền, các nhà chiêm tinh cho là sao chủ về thời tiết. Sao Thiên Quyền không sáng dẫn tới bốn mùa trên mặt đất không thể thứ tự, đào mận khoe đông, mưa tuyết không thể đúng vụ. Sao chổi là sao xấu, “sao Chổi quét sao Văn Xương” có nghĩa là người và việc đối ứng với sao Văn Xương sẽ có vận rủi ro. Các nhà chiêm tinh cho rằng sao Văn Xương là sao chủ về Văn vận, sao Chổi quét sao Văn xương thì văn vận sẽ bị suy bại.

Ngũ Tinh tụ hợp

Ngũ tinh tụ hợp là chỉ 5 ngũ hành tinh Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ đồng thời vận chuyển đến một vùng sao nào đó. Nếu 5 sao cùng trên một đường thẳng thì gọi là”Ngũ tinh liên châu” nghĩa là năm sao giống như năm viên ngọc trai xuyên trên cùng một sợi dây.

Theo ghi chép, kể từ thế kỉ 11 trước công nguyên đến thời Minh Gia Tĩnh trải qua hơn 2600 năm, tổng cộng đã xuất hiện 8 lần hiện tượng “Ngũ tinh tụ hợp”.

  • Lần thứ nhất vào thế kỉ 11 trước công nguyên, năm sao tụ hợp tại chòm sao Phòng, tác giả cho là điềm báo nhà Chu sẽ thay nhà Ân
  • Lần thứ hai vào khoảng trước sau năm 650 trước công nguyên, năm sao tụ hợp tại chòm sao Cơ, tác giả cho là điềm báo Tề Hằng công sẽ trở thành bá chủ số 1 thời Xuân Thu
  • Lần thứ ba xuất hiện vào thời Hán Cao tổ Lưu Bang năm thứ nhất (năm 206 trước công nguyên), năm sao tụ hợp tại phía Đông chòm sao Tĩnh, Trương Nhĩ cho rằng “Đông Tĩnh thuộc đất Tần, Hán vương đang vào Tần đế chiếm thiên hạ”, về sau, quả nhiên Hán Cao Tổ đánh thắng Hạng Võ thống nhất Trung quốc.
  • Lần thứ tư xuất hiện vào tháng 8, Đường Huyền tông Khai nguyên năm thứ ba (năm 715), năm sao tụ hợp tại hai chòm sao Cơ và Vĩ, nhà chiêm tinh cho là tinh tượng này có nghĩa là có đức thì mừng, không có đức thì gặp tai ương. Sau khi Đường Huyền tông nối ngôi đã dốc sức vì nước lập lại an ninh trật tự trong thiên hạ, đã xuất hiện thời “Khai Nguyên thịnh thế”.
  • Cuối đời, Đường Huyền tông ham mê hưởng lạc, tin dùng gian tướng, sùng ái Dương Quý phi đã xuất hiện vào thời Ngũ Đại, Tốn Cao Tổ năm Thiên phúc (trước sau năm 940), năm sao trên cùng một đường thắng suốt mấy đêm liền ở phía Tây Nam.
  • Thời gian 5 sao tụ hợp lần thứ 6, ghi chép có chỗ sai khác nhau, sách “Thất tu loại cảo” ghi là : “Tấn- Thái tố Kiến Long năm thứ 3, tháng 11, năm sao tụ hợp tại chòm sao Khuê”, Lang Anh cho là năm sao tụ hợp lần này là điềm báo đời nhà Tống hưng thịnh, cái gọi là “có đức thụ mệnh bao trùm khắp bốn phương, con cháu sinh sôi, vinh xương” cũng là thế.
  • Lần thứ bảy xuất hiện vào thời kì Minh Thái tổ Hồng Vũ, năm sao cũng tụ hợp tại chòm sao Khuê. Lần thứ 8 xuất hiện vào thời Minh Thái tổ, Gia Tĩnh năm thứ hai (năm 1523), năm sao tụ hợp tại chòm sao Thất.

Ngũ đức chung thủy

Người xưa không những đem thuật ngũ hành sinh khắc dùng vào việc suy đoán cát hung phúc họa của con người, mà còn đem nó dùng vào việc thay đổi triều đại, cho nên có thuyết “Ngũ đức chung thủy”. Thuyết này bắt nguồn từ Trâu Diễn thời Chiến quốc, cho rằng lịch sử là tuân theo nguyên lí ngũ hành sinh khắc chuyến dịch tuần hoàn, mỗi một triều đại đều chịu một hành nào đó trong ngũ hành chi phối.

Khi đế vương của một triều đại nào đó hưng khởi thì trên trời sẽ biểu hiện trước điềm tốt lành, điềm lành này vừa vặn phù hợp với “đức” của một hành nào đó chi phối thời đại này. Các nhà âm dương ngũ hành gán ghép số ngũ hành mà mỗi triều đại phụ thuộc

  • Thời Hoàng đế thuộc Thổ
  • Thời Hạ thuộc Mộc
  • Thương thuộc Kim
  • Chu thuộc Hỏa
  • Tần thuộc Thủy
  • Hán thuộc Hỏa
  • Ngụy thời Tam Quốc thuộc Thổ.

Sách “Tam quốc diễn nghĩa” khi tả đến Tào Tháo bàn mật với mưu sĩ việc dời đô thì Thái sử Lệnh Vương Lập nói riêng với Tống chính Lưu Ngãi rằng :

“Tôi ngửa trông thiên văn , từ mùa xuân năm ngoái sao Thái Bạch phạm Trấn tinh ở vùng chòm Đẩu, Ngưu qua Bến Trời, sao Huỳnh hoặc lại đi ngược gặp với sao Thái Bạch ở Thiên quan, sao Kim và sao Hỏa hội hợp với nhau, tất nhiên sẽ có Thiên tử mới xuất hiện. Tôi xem khí vận Đại Hán sắp hết, trong đất Tấn Ngụy ắt có người nổi lên”.

Lại mật tâu với Hiến đế :

“Mệnh trời có kẻ đi người ở, ngũ hành thịnh suy bất thường. Thay Hỏa là Thổ, thay Hán mà có được thiên hạ đương nhiên là ở Ngụy”.

Trấn tinh tức Thổ tinh (sao Thổ) nằm ở giữa ngũ tinh, Thái Bạch tức Kim tinh (sao Kim) ở phương Tây, “Thái Bạch phạm Trấn tinh vu Đẩu, Ngưu” là nói sao Kim ở phương Tây vận hành vào trung ương cùng phạm vào Trấn tinh ở vùng hai chòm sao Đẩu, Ngưu, sau đó qua Bến Trời đến Thiên quan. Huỳnh hoặc tức sao Hỏa ở phương Nam. Sao Hỏa đi ngược lại cùng đến Thiên quan, sao Kim và sao Hỏa cùng gặp nhau tại vùng sao Thiên quan.

Căn cứ biến đổi tinh tượng này, Vương Lập đoán “ắt là có Thiên tử mới xuất hiện”. Vương Lập nói :

“Thừa kế nhà Hán là Ngụy thôi”, chính là dựa theo thuyết “Ngũ đức chung thủy” (lễ suy đoán. Hán thuộc Hỏa, Ngụy ở trung ương (giữa), trung ương thuộc Thổ, mà Hỏa có thể sinh Thổ cho nên có thuyết “Thay Hỏa là Thổ”.

Mưu sĩ hàng đầu của Tào Tháo là Tuân Du nghe được lời của Vương Lập, theo học thuyết “Ngũ đức chung thủy” khuyên Tào Tháo dời đô về đất Hứa :

“Nhà Hán lấy đức Hỏa làm vua, còn minh công lại mệnh Thổ. Hứa đô thuộc Thổ đến đó tất hưng thịnh. Hỏa có thể sinh Thổ, Thổ có thể vượng” Mộc, chính là hợp với lời của Đổng Chiêu và Vương Lập, tất sau này sẽ phát mạnh”.

Nhà chiêm tinh Vương Lập đem 5 loại nguyên tố cấu tạo thành vật chất là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ đối ứng lại với 5 sao Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, dùng lí thuyết ngũ hành sinh khắc để giải thích một số biến đổi của tinh tượng, “Kim hỏa giao hội, cách mệnh chi tượng” của Vương Lập, căn cứ của nó chính là Hỏa khắc Kim. Kim Hỏa cùng tụ hợp với nhau mà Hỏa có thể khắc Kim tất nhiên có vật chất mới tạo nên. Vì vậy, Vương Lập đem “Hỏa Kim giao hội” gọi là “cách mệnh chi tượng” (biểu tượng là cách mạng).

Chiêm Tinh Học Phương Đông

Thuật tinh bốc (bói sao) không những có thể dự đoán vận mệnh của Quốc gia, còn có thể dự đoán vận mệnh của cá nhân. Nhà đoán mệnh cho rằng : Trời có hàng trăm quan, có vô vàn các vì sao. Trời thả ra khí, còn các vì sao thì phân bố tinh lực, khí mà trời thả ra đều có cả khí của các vì sao trong đó. Con người thụ khí mà sinh ra, ngậm khí để trưởng thành. Nhận được khí cao quý thì sẽ được cao sang, nhận được khí rẻ mạt thì sẽ hèn hạ. Quý hoặc phẩm hàm có cao có thấp, phú (giàu) hoặc vật chất có được bao nhiêu đều do vị trí của sao cao quý, hèn mọn, lớn bé ban cho cả” ‘Vương Sung sách “Luận hành”).

Thần sát nói ở trong thuật Tinh mệnh lại là tinh Tượng. Ví như các sao : Thiên ất quý nhân, Tướng tinh, Hoa cái, Văn xương, Thái Tuế. Khi ngày hoặc tháng sinh của một người gặp được những sao này, thì những tinh tượng này sẽ quyết định vận mệnh một đời của người này.

Trong “Kinh Thi” có bài thơ : “Ngã thần an tai ?!” Lại là biểu hiện một người tự than ngôi sao chiếu mệnh của mình là ngôi sao nào. Ngoài ra, nhà Đại văn hào đời Đường là Hàn Dụ thường thường tự than cung mệnh Ma kết. Bởi vì Ma kết chiếu mệnh là không tốt, bất lợi.

Lỗ Tấn cũng đã từng làm thơ nói : “Viễn giao Hoa Cái dục hà cầu”, căn cứ lí thuyết chiêm tinh giải thích nói : người có Hoa cái chiếu mệnh, có nghệ thuật trời phú cho tương đối cao, nhiều tài nhiều nghề, nhưng là người sống thanh cao cô quạnh.

Theo lí thuyết tinh bốc Trung Quốc, trong mỗi năm có rất nhiều Thần sát. Dùng “Thái tuế” làm đầu thay nhau trực năm. Thần sát mỗi năm có tốt có xấu. Cung mệnh của một người nếu như gặp Cát thần (Thần tốt) lưu niên, thì năm này sẽ có thể có phúc, nếu gặp phải sát tinh thì năm này sẽ có thể có tai hoạ đưa đến.

Lí thuyết giải thích phúc họa đời người này mang nhiều sắc thái gượng ép, cho nên về sau có không ít nhà chiêm bốc cũng không tán thành cách giải thích này.

Chiêm Tinh Học Phương Tây

Nhưng thuật Tinh mệnh không chỉ có ở phương Đông, mà ở phương Tây cũng tồn tai từ rất lâu. Chúng tôi đã từng từ trong tác phẩm của một học giả nghiên cứu tính cách người Pháp hiện đại xem được tài liệu Tinh tướng học của phương Tây.

Môn Tinh tướng học này là căn cứ ngày tháng năm sinh của một người, cho mỗi người lấy 12 loại tinh tướng tượng trưng. Mười hai loại tinh tướng này không phải là lấy một tháng đế tính toán. Ví dụ

  • Sao Bạch dương (Aries) là từ ngày 21 tháng 3 đến ngày 20 tháng 4
  • Chòm sao Kim ngưu (Taurus) là từ ngày 21 tháng 4 đến ngày 20 tháng 5
  • Chòm sao Song tử (Gemini) là từ ngày 21 tháng 5 đến ngày 21 tháng 6
  • ..v.v…

Mặc dù không trong một tháng, nhưng chu kì đại thể đều là 30 ngày.

Từ đây, chúng ta đã sản sinh ra một ý tưởng lạ : hạt giống của sinh mệnh trong quá trình từ lúc sinh trưởng đến lúc tử vong, tinh tú có lẽ thật sự có những nguyên cớ nào đó không hiếu nổi đối với chúng ta. Bởi thế, loài người đối với nhận thức tự thân và khai thác tiềm lực phải nhờ vào việc thăm dò của loài người đối với vũ trụ. Bởi vì chúng ta cho đến nay, còn chưa thể nhảy ra khỏi “góc độ quả đất” nên nền văn hóa của chúng ta vẫn còn là “văn hóa ở quả đất”.

(Trích tuyển từ Thiên thời – Bạch Huyết)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây