Các giai đoạn chuyển dạ và sinh nở – mẹ bầu cần biết gì?

0

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CKI Lê Thị Kim Ngân

Trải qua 9 tháng 10 ngày thai nghén vất vả, giờ là lúc bạn chuẩn bị sức khỏe và tinh thần để chào đón con yêu. Gần đến ngày dự sinh, việc tìm hiểu các dấu hiệu cũng như giai đoạn chuyển dạ sẽ giúp bạn cảm thấy vững tin cho quá trình sinh nở sắp tới.

 

Chuyển dạ là gì?

Chuyển dạ là quá trình em bé rời khỏi tử cung của mẹ để ra ngoài. Bạn chính thức bước vào giai đoạn chuyển dạ khi những cơn gò xuất hiện với cường độ và tần suất tăng dần. Những cơn gò này giúp đẩy em bé ra khỏi tử cung. Khi bắt đầu chuyển dạ, cổ tử cung sẽ giãn ra (mở ra), tạo điều kiện cho em bé chào đời qua ngả âm đạo của mẹ. (1)

 

Dấu hiệu báo sắp sinh

Một số dấu hiệu sắp sinh bạn cần ghi nhớ để đón con yêu chào đời:

  • Chất nhầy âm đạo: Trong thời kỳ mang thai, chất nhầy tiết ra dày đặc, chặn lỗ cổ tử cung để ngăn vi khuẩn xâm nhập vào tử cung. Vào cuối tam cá nguyệt thứ ba, nút này có thể bị đẩy vào bên trong âm đạo. Thế nên, bạn sẽ nhận thấy sự gia tăng tiết dịch âm đạo. Dịch có màu trong suốt, hồng hoặc lẫn máu. Hiện tượng này thường xảy ra trước chuyển dạ vài ngày hoặc ngay khi bắt đầu giai đoạn chuyển dạ.
  • Cảm thấy em bé tụt xuống thấp hơn: Nếu đây là lần sinh đầu tiên của bạn, em bé sẽ tụt xuống hoặc sa xuống khung xương chậu một vài tuần trước khi giai đoạn chuyển dạ bắt đầu (thường là khoảng 2-4 tuần).
  • Chuột rút nhiều hơn và đau lưng tăng dần: Các cơ và khớp của bạn căng ra để chuẩn bị cho việc đón em bé chào đời.
  • Vỡ ối: Túi ối chứa đầy chất lỏng làm đệm cho em bé trong tử cung. Vỡ ối là một trong những dấu hiệu chuyển dạ cuối cùng, và nó chỉ xảy ra ở khoảng 15% số ca sinh hoặc ít hơn. 

 

Dấu hiệu chuyển dạ

Mỗi thai phụ sẽ có một trải nghiệm sinh nở không giống nhau. Vì thế, dấu hiệu chuyển dạ cũng khác nhau ở mỗi người. Thông thường, quá trình chuyển dạ sẽ đi kèm với các dấu hiệu sau:

  • Các cơn co thắt mạnh và thường xuyên hơn: Cơn co thắt là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của quá trình chuyển dạ. Bạn sẽ có cảm giác các cơ trong tử cung thắt chặt để chuẩn bị cho thời khắc quan trọng: đẩy em bé ra ngoài.
  • Xóa cổ tử cung: Những tuần cuối của thai kỳ, đoạn dưới của tử cung thành lập kéo dãn và mỏng dần .Khi quá trình chuyển dạ bắt đầu, cổ tử cung trở nên mềm, ngắn lại và xóa mỏng. 
  • Mở cổ tử cung: Một dấu hiệu chuyển dạ khác là cổ tử cung bắt đầu mở (giãn ra). Trong suốt quá trình bạn chuyển dạ, nữ hộ sinh hoặc Bác sĩ sẽ khám để đánh giá sự xóa mở của cổ tử cung từ 0 (không giãn nở) đến 10cm (mở trọn).

 

Các giai đoạn chuyển dạ

BS.CKI Lê Thị Kim Ngân, Trưởng khoa Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, một cuộc chuyển dạ và sinh nở thường trải qua 3 giai đoạn: (2)

 

Giai đoạn I: Bắt đầu chuyển dạ

Giai đoạn đầu tiên của quá trình chuyển dạ là dài nhất và bao gồm ba giai đoạn:

Chuyển dạ giai đoạn tiềm thời

Ở giai đoạn này, bạn cần cố gắng thư giãn, không nhất thiết phải vội vàng đến bệnh viện hoặc nhà hộ sinh nếu bạn đã nắm và hiểu rõ các thông tin hữu ích về chuyển dạ. Cố gắng uống nhiều nước và ăn nhẹ. Nếu quá trình chuyển dạ mới bắt đầu và diễn ra vào ban đêm, hãy cố gắng tranh thủ ngủ một giấc thật sâu vì lúc này cơn gò tử cung còn thưa, nhẹ, đau ít.

Trong trường hợp bạn không thể đi vào giấc ngủ, có thể tắm gội sạch sẽ và làm một số việc nhẹ nhàng như dọn dẹp tủ quần áo, đóng gói hành lý cho chuyến vượt cạn quan trọng vào hôm sau.

  • Kéo dài từ 6 -12 giờ;
  • Cổ tử cung xóa và mở ra 3-4cm;
  • Các cơn gò kéo dài khoảng 30-45 giây, cho bạn 5-30 phút nghỉ ngơi giữa mỗi cơn gò;
  • Cơn gò thường nhẹ và có tần suất thưa, sau mạnh dần và thường xuyên hơn;
  • Các cơn gò gây nên cảm giác đau vùng lưng dưới, đau bụng (giống như đau bụng kinh) và áp lực ở vùng xương chậu;
  • Âm đạo tiết dịch nhầy kèm theo máu;
  • Túi ối có thể bị vỡ.

Trong giai đoạn này, khi các cơn gò bắt đầu tăng dần và cảm thấy đau nhiều hơn, bạn nên nhập viện để Bác sĩ sẽ khám đánh giá cuộc chuyển dạ, sức khỏe mẹ và bé để có hướng xử trí phù hợp. Tuy nhiên, một số trường hợp cuộc chuyển dạ có thể diễn ra lâu hơn so với thông thường (18 – 24 giờ). Tình trạng này thường xuất hiện ở một số bà mẹ sinh con đầu lòng hoặc sinh song thai gọi là chuyển dạ kéo dài.

Chuyển dạ giai đoạn tích cực

Ở giai đoạn này, các cơn gò sẽ mạnh hơn, kéo dài hơn và tần suất dày hơn. Để giảm cảm giác khó chịu, bạn có thể đi lại nhẹ nhàng, tắm nước ấm hoặc thử một vài bài tập thư giãn giữa các cơn gò. Tiếp tục uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên.

Đặc điểm của cơn chuyển dạ tích cực:

  • Kéo dài từ 3-5 giờ. Nếu đây là lần sinh đầu tiên của bạn hoặc bạn được gây tê ngoài màng cứng, quá trình này có thể kéo dài hơn;
  • Cổ tử cung giãn ra từ 4-8cm;
  • Các cơn gò kéo dài khoảng 45-60 giây với 3-5 phút nghỉ ngơi giữa các cơn.

Giai đoạn chuyển tiếp

Đây là giai đoạn chuyển dạ ngắn nhất nhưng khó khăn nhất với những cơn gò mạnh và rất gần nhau. Lúc này, bạn cần đến sự hỗ trợ từ những người xung quanh như mẹ, chồng, người thân, hộ lý… Đừng ngại nhờ họ làm điều gì đó cho bạn (chẳng hạn như massage, chườm ấm…) để giúp giai đoạn này qua đi một cách nhẹ nhàng.

Đặc điểm của giai đoạn chuyển tiếp:

  • Kéo dài khoảng 30 phút – 2 giờ;
  • Cổ tử cung giãn ra hoàn toàn từ 8-10cm;
  • Các cơn gò kéo dài khoảng 60-90 giây với thời gian nghỉ 30 giây – 2 phút giữa các cơn;
  • Cơn gò kéo dài, mạnh mẽ, dữ dội và có thể chồng chéo lên nhau;
  • Thai phụ có thể bị nóng bừng, ớn lạnh, buồn nôn, nôn mửa hoặc đầy hơi.

Đừng ngại nhờ tới sự giúp đỡ của người thân, hộ sinh , trợ lý chăm sóc để giảm cảm giác đau do các cơn gò lúc chuyển dạ

 

Giai đoạn II: Sinh con

Bạn sẽ gặp con yêu trong giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển dạ. Giai đoạn này có thể mất từ ​​vài phút đến 2 giờ hoặc hơn để đẩy em bé ra đời. (3)

Tất cả những gì bạn được hướng dẫn làm chỉ là rặn và rặn. Bác sĩ hoặc hộ sinh sẽ hướng dẫn và yêu cầu bạn cong người trong mỗi cơn gò hoặc cho bạn biết khi nào nên rặn. Khi bạn rặn, đừng quá căng thẳng. Nếu được, hãy thử nghiệm các vị trí rặn khác nhau: nằm, ngồi xổm, quỳ… cho đến khi bạn tìm thấy vị trí phù hợp nhất. 

Tại một số thời điểm, bạn sẽ được yêu cầu rặn nhẹ nhàng hơn, hoặc ngừng rặn hoàn toàn. Việc giảm tốc độ nhằm cho phép các mô âm đạo có thời gian để giãn ra thay vì bị rách. Nếu bạn thực hiện đúng kỹ thuật rặn, em bé sẽ chào đời một cách thuận lợi.

 

Giai đoạn III: Sổ nhau thai

Sau khi sinh em bé, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Đây là lúc bạn bước sang giai đoạn chuyển dạ thứ ba: sổ nhau thai.

Nhau thai thường được sổ trong vòng 5-30 phút, nhưng đôi khi kéo dài tới 1 giờ. Bạn sẽ tiếp tục có những cơn gò nhẹ. Bạn có thể được chỉ định dùng thuốc trước hoặc sau khi sổ nhau thai nhằm kích thích các cơn gò tử cung và giảm thiểu chảy máu.

Quá trình sổ nhau thai rất quan trọng. Nhau cần được lấy hết khỏi tử cung để ngăn ngừa chảy máu và nhiễm trùng. Sau khi bạn sổ hết nhau thai, tử cung vẫn tiếp tục co bóp, thu hồi để sớm trở lại kích thước bình thường.

 

Một số lưu ý sau khi sinh

Em bé của bạn đã chào đời, nhau thai đã được sổ hết. Giờ là lúc bạn nên tuân thủ những lưu ý quan trọng dưới đây trong giai đoạn đầu sau sinh:

  • Cho bé bú càng sớm càng tốt: Hầu hết trẻ sơ sinh đều sẵn sàng bú mẹ trong thời gian ngắn sau sinh. Vì thế, bạn nên cố gắng cho con bú càng sớm càng tốt để bé được hưởng những giọt sữa non quý giá. Không chỉ vậy, việc cho bé bú sớm còn giúp tử cung mau co lại và giảm lượng máu chảy sau sinh.
  • Ăn đủ chất: Việc ăn uống đủ chất vừa giúp cơ thể mẹ mau hồi phục, vừa đảm bảo nguồn sữa mẹ đủ chất cho bé bú. Bạn nên nạp đủ 4 nhóm chất (tinh bột, đạm, chất béo, vitamin) trong mỗi khẩu phần ăn, ăn ít nhất 4-5 bữa/ngày.

Bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng được chế biến dành riêng cho sản phụ

  • Bổ sung vitamin như giai đoạn trước sinh: Nhiều phụ nữ nghĩ rằng sau khi sinh con, mình không cần bổ sung vitamin như lúc trước sinh. Quan niệm này hoàn toàn không đúng. Sau sinh, cơ thể bạn thiếu hụt rất nhiều vi chất và cần được bổ sung để nhanh chóng phục hồi. Nếu bạn đang cho con bú, cơ thể còn đòi hỏi nhiều vitamin và khoáng chất hơn so với thời kỳ mang thai. Cần tập trung vào viên bổ sung canxi, sắt, omega-3, vitamin D.
  • Nghỉ ngơi thật nhiều: Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục của phụ nữ sau sinh. Tuy nhiên, sẽ rất khó để bạn ngủ đủ giấc khi phải chăm sóc một em bé sơ sinh. Tốt nhất, bạn nên tranh thủ ngủ khi em bé ngủ – ngay cả khi đó chỉ là một giấc ngủ ngắn – và cố gắng nghỉ ngơi mọi lúc để sức khỏe sớm phục hồi.

 

Chào đón thiên thần nhỏ là một trải nghiệm tuyệt vời mà người phụ nữ nào cũng mong muốn trải qua. Để hành trình vượt cạn trở nên nhẹ nhàng, mẹ cần tìm hiểu kỹ về các dấu hiệu và giai đoạn chuyển dạ để có cách ứng phó kịp thời.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây