Cảnh báo những tai biến sản khoa thường gặp nhất khi mang thai

0

Tai biến sản khoa là một trong những nguyên nhân lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng của mẹ lẫn bé. Tuy nhiên, những rủi ro này hoàn toàn có thể phòng ngừa, điều trị nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời.

 

Tai biến sản khoa là gì?

Tai biến sản khoa (biến chứng thai kỳ) là những mối đe dọa lớn đến sức khỏe và cuộc sống của sản phụ cũng như thai nhi. Tai biến sản khoa đặc biệt nguy hiểm, có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ mà không tiên lượng trước được.

Bất kỳ người mẹ nào cũng có nguy cơ đối diện với các biến chứng khi mang thai. Vì vậy, việc dự phòng và sớm đưa ra những biện pháp ngăn ngừa, can thiệp kịp thời đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho sản phụ lẫn thai nhi. 

 

Nguyên nhân gây ra các biến chứng thai kỳ

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tai biến sản khoa. Một vài trong số đó đã được các chuyên gia trong lĩnh vực y tế liệt kê như sau:

  • Phụ nữ mang thai có độ tuổi nhỏ hơn 17 và cao hơn 40 tuổi.
  • Mẹ làm việc trong môi trường độc hại hoặc tiếp xúc với độc chất, tia X…; và có lối sống không lành mạnh: Hút thuốc lá, uống rượu,sử dụng ma túy…
  • Mẹ tự ý sử dụng thuốc khi mang thai, nhất là 3 tháng đầu thai kỳ.
  • Mẹ có tiền sử phẫu thuật: Phẫu thuật lấy thai, phẫu thuật khối u ở tử cung, các phẫu thuật ở ổ bụng.
  • Biến chứng thai kỳ: Vị trí thai bất thường, thai nhi phát triển chậm và hiện tượng bất đồng nhóm máu Rh (rhesus).
  • Đa thai: Có thể gây ra tiền sản giật, sanh non và sanh sớm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hơn ½ ca song thai và khoảng 93% ca tam thai phải sanh sớm trước 37 tuần.
  • Bệnh lý nền có thể gia tăng khả năng có biến chứng sản khoa như:
    • Thừa cân và béo phì: tăng nguy cơ tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, thai chết lưu, khiếm khuyết ống thần kinh và sanh mổ. Các nghiên cứu của Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (NICHD) cho thấy, béo phì có thể làm tăng 15% nguy cơ bệnh lý tim mạch cho trẻ khi chào đời.
    • Tăng huyết áp thai kỳ: Có thể gây tổn thương thận của mẹ và tăng nguy cơ trẻ sinh ra nhẹ cân hoặc tiền sản giật.

 

    • Hội chứng buồng trứng đa nang: Tăng nguy cơ sảy thai ở tuổi thai trước 20 tuần, đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật và mổ lấy thai. 
    • Đái tháo đường (Tiểu đường): Tăng nguy cơ thai to, thai lưu, trẻ sinh ra dễ bị hạ đường huyết.  
    • Bệnh thận: Tăng nguy cơ chuyển dạ sinh sớm, trẻ nhẹ cân, tiền sản giật.
    • Bệnh tự miễn: Mẹ mắc một trong các bệnh tự miễn như: lupus ban đỏ hệ thống, bệnh xơ cứng rải rác… làm tăng nguy cơ sanh sớm, thai lưu… 
    • Bệnh lý khác như Bệnh tuyến giáp, HIV/AIDS, Nhiễm Zika trong thai kỳ.

15 tai biến sản khoa nguy hiểm thường gặp khi mang thai

1. Thuyên tắc ối

Thuyên tắc ối (hội chứng giống dị ứng sốc phản vệ ở thai phụ) là biến chứng đáng sợ nhất trong tai biến trong khi mang thai. Theo thống kê, có đến 50% sản phụ tử vong trong giờ đầu tiên khởi phát triệu chứng thuyên tắc ối. 50% còn lại nếu sống sót cũng để lại nhiều di chứng thần kinh nặng nề.

Theo giải thích y học, thuyên tắc ối là kết quả của việc dịch nước ối vào tĩnh mạch tử cung khi thai phụ bị vỡ màng ối, vỡ tĩnh mạch của tử cung hay cổ tử cung, áp lực buồng tử cung cao.

Các yếu tố tăng nguy cơ thuyên tắc ối bao gồm: Sản phụ hơn 35 tuổi, đa thai, sanh nhiều lần, bất thường nhau thai, tiền sản giật, tăng huyết áp thai kỳ, mổ lấy thai và nhau bong non.

Những triệu chứng thường gặp: 

  • Khó thở, ngưng thở Sp02 (oxy máu) nhỏ hơn hoặc bằng 90%, cơ thể trong tình trạng tím tái.
  • Tụt huyết áp, mạch đập nhanh và nhẹ, thậm chí ngưng tim.
  • Chảy máu không có cục máu đông.

2. Vỡ tử cung

Vỡ tử cung cũng là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm có khả năng đe dọa tính mạng của cả mẹ lẫn thai nhi.

Thai phụ bị vỡ tử cung khi xuất hiện một vết rách trên thành tử cung, vết rách này toạc qua các lớp của thành tử cung cho đến khi vỡ hoàn toàn. Khi tử cung bị vỡ, phần lớn thai nhi sẽ chết. Người mẹ trong trường hợp này cũng có thể tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Vỡ tử cung thường xảy ra trong quá trình chuyển dạ, và cả thời kỳ mang thai. Nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này là do thai quá to, ngôi thai bất thường (ngôi ngang), đa thai hoặc từng có tổn thương tử cung (mổ lấy thai, nạo phá thai,…). Trước khi vỡ tử cung sẽ có một giai đoạn doạ vỡ tử cung. Lúc này, việc phát hiện sớm và can thiệp đúng lúc sẽ ngăn chặn được nguy cơ vỡ tử cung nguy hiểm.

Triệu chứng nhận biết nguy cơ vỡ tử cung: Cơn co thắt dồn dập làm cho sản phụ đau đớn vật vã, biểu hiện sốc (tái nhợt, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt, ngất), có thể ra máu âm đạo, mất tim thai, thấy các phần thai nhi dưới da bụng khi nắn bụng.

3. Băng huyết sau sinh

Băng huyết sau sinh là tình trạng mất máu tích lũy 1.000ml hoặc mất máu do các dấu hiệu giảm thể tích máu trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh. Băng huyết sau sinh chiếm đến 35% trong tổng số nguyên nhân gây ra cái chết ở sản phụ trên toàn thế giới.

Tùy vào mức độ mất máu mà tình trạng băng huyết sau sinh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nhẹ khác nhau như: Choáng (giảm thể tích tuần hoàn), suy thận, suy đa cơ quan và dẫn đến tử vong. Ngoài ra, băng huyết sau sinh cũng là yếu tố gây ra hiện tượng nhiễm trùng hậu sản.

Về lâu dài, băng huyết sau sinh còn có thể gây thiếu máu, viêm tắc tĩnh mạch, hội chứng Sheehan (do hoại tử tuyến yên gây suy nhược, rụng tóc, vô kinh và mất sữa). Nguy hiểm nhất là trường hợp phải cắt tử cung, dẫn đến tình trạng không thể có thêm con.

Băng huyết sau sinh thường gặp ở những mẹ từng sinh nhiều lần, con to. Bên cạnh đó, việc nạo thai quá nhiều và có vết mổ ở tử cung cũng là nguyên nhân dẫn tới biến chứng thai kỳ nguy hiểm này.  

Những triệu chứng của biến chứng thai kỳ nhận biết nguy cơ băng huyết sau sinh gồm:

  • Cơ thể mệt mỏi, tím tái, da xanh xao, khát nước, mạch đập nhanh và nhỏ, tụt huyết áp.
  • Chân tay lạnh, vã mồ hôi. 
  • Âm đạo và khu vực gần đó sưng, đau, nếu chảy máu là do tụ máu.
  • Ra máu ở nhiều mức độ và hình thái khác nhau.
  • Máu chảy ồ ạt qua ngả âm đạo ra ngoài. Trong một số trường hợp khác, máu đọng lại trong buồng tử cung hoặc tạo thành các khối huyết tụ.

4. Tiền sản giật

Hội chứng tiền sản giật khi mang thai là biến chứng của tăng huyết áp thai kỳ trong 3 tháng cuối. Cụ thể, huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên cùng với đó là tình trạng xuất hiện protein trong nước tiểu, gây ra bởi sự tổn thương đến thận.

Tiền sản giật thường xảy ra trước khi lên cơn sản giật. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh mà giai đoạn này có thể kéo dài vài giờ, vài ngày, vài tuần hoặc chỉ thoáng qua.

Tỷ lệ xảy ra cơn sản giật 50% trước sinh, 25% trong lúc sinh, 25% sau sinh và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Trong đó, biến chứng nguy hiểm nhất là xuất huyết não làm sản phụ hôn mê sâu. Đối với bé, tiền sản giật có thể dẫn tới tình trạng sinh non, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thậm chí là tử vong.

Tính đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân gây ra tình trạng tiền sản giật vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Tuy nhiên, đối với những nhóm thai phụ sau đây sẽ có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hơn so với người bình thường:

  • Mang song thai, tam thai.
  • Sinh con đầu lòng (con so).
  • Mang thai khi tuổi đã cao (lớn hơn 40 tuổi).
  • Xuất hiện cơn tăng huyết áp trước tuần 20 (huyết áp mạn).
  • Có tiền căn tiểu đường hoặc bệnh lý ở thận.
  • Từng bị tiền sản giật trước đây.
  • Di truyền từ gia đình.
  • Thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ.
  • Thừa cân béo phì trong khi mang thai.

Những dấu hiệu cho biết mẹ có nguy cơ cao bị tiền sản giật bao gồm: Nhiễm độc thai nghén nặng (phù, tăng huyết áp, protein niệu…).

5. Nhiễm trùng hậu sản

Nhiễm trùng hậu sản là tình trạng nhiễm trùng xuất phát từ đường sinh dục (âm đạo, cổ tử cung, tử cung) trong khoảng 6 tuần đầu sau sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí đe dọa tính mạng của sản phụ.

Các loại nhiễm trùng hậu sản thường gặp là nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo; Viêm niêm mạc tử cung, viêm quanh tử cung, viêm tử cung, viêm tắc tĩnh mạch, viêm phúc mạc toàn bộ, viêm phúc mạc tiểu khung, nhiễm trùng huyết.

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn hậu sản sẽ trải dài từ lúc trước, trong và sau sinh bao gồm:

  • Cơ sở vật chất, trang thiết bị không được vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo tính vô khuẩn.
  • Chỉ định và kỹ thuật can thiệp không đúng thời điểm trong lĩnh vực sản khoa cũng có thể dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn hậu sản.
  • Không đảm bảo đúng quy trình chăm sóc sản phụ trước, trong và sau sinh.
  • Không xử lý tốt các nhiễm khuẩn ở đường sinh dục trước khi sinh.
  • Chuyển dạ kéo dài, ối vỡ non và sớm.

Những triệu chứng nhiễm khuẩn hậu sản thường gặp:

  • Sốt nhẹ, ớn lạnh, đau cơ, sản dịch có mùi hôi (biểu hiện của viêm nội mạc tử cung), tử cung co chậm và bị đau.
  • Một hoặc hai bên vú bị đau cứng, nóng đỏ dẫn tới tình trạng sốt, ớn lạnh, đau cơ, mệt mỏi hoặc đau đầu.
  • Vùng da xung quanh vết mổ bị đỏ, tiết dịch kèm sưng nóng.
  • Tiểu tiện bị đau, có cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên nhưng tiểu ít hoặc không có nước tiểu. Tiểu ra nhiều bọt có thể kèm máu.

6. Uốn ván sơ sinh

Uốn ván sơ sinh là tình trạng hệ thần kinh trung ương của trẻ bị nhiễm độc tố uốn ván Clostridium tetani. Loại độc tố này xâm nhập vào cơ thể của bé thông qua đường rốn, vết cắt dây rốn bằng dụng cụ không được tiệt trùng đúng quy cách.

Tùy vào mức độ mà uốn ván sơ sinh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng và thậm chí dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ. Theo thống kế từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào những năm cuối của thế kỷ 20, có khoảng 500.000 trẻ tử vong do uốn ván sơ sinh mỗi năm ở các quốc gia đang phát triển.

Những triệu chứng nhận biết uốn ván sơ sinh:

  • Trẻ bị tê lưỡi, cứng cơ hàm;
  • Trẻ hay lên cơn co giật toàn thân và co cứng cơ;
  • Trẻ có hiện tượng bỏ ăn, bỏ bú, vã mồ hôi và sốt;
  • Trẻ thường xuyên nằm ưỡn, nắm chặt tay, gấp khuỷu tay duỗi thẳng chân;
  • Có hiện tượng co thắt phế quản, gây ngừng tim và tử vong.

7. Chửa ngoài tử cung

Mang thai ngoài tử cung là hiện tượng thai làm tổ bên ngoài buồng tử cung. Khoảng hơn 95% trường hợp thai ngoài tử cung xuất hiện ở vòi tử cung. Ngoài ra, thai còn có thể làm tổ ở nhiều vị trí khác nhau như buồng trứng, cổ tử cung, trong ổ bụng, và cả bên ngoài ổ phúc mạc.

Hiện tượng chửa ngoài tử cung thường gặp ở những sản phụ có vấn đề về ống dẫn trứng như bị dị tật, hẹp bẩm sinh, hoặc đã từng can thiệp phẫu thuật liên quan đến vòi trứng.

Triệu chứng nhận biết nguy cơ chửa ngoài tử cung bao gồm:

  • Sản phụ mang thai ngoài tử cung thường có kinh nguyệt chậm, không đều. Tuy nhiên, rất khó nhận biết bằng dấu hiệu này.
  • Âm đạo ra máu bất thường, kéo dài và máu có màu đỏ thẫm. Triệu chứng này thường bị lầm tưởng là kinh nguyệt, nhất là khi ra máu trùng với thời gian có kinh. Lúc này, bạn cần phân biệt kỹ về màu sắc, độ loãng và độ đặc, lượng máu chảy so với những lần kinh nguyệt trước đó.
  • Khi chửa ngoài tử cung bạn sẽ thấy đau bụng tại vị trí thai làm tổ, đau bụng dưới. Một số còn bị đau bụng như táo bón. Tình trạng đau bụng âm ỉ kéo dài, đôi lúc đau dữ dội kèm chảy máu âm đạo. Do thai ngoài tử cung ngày càng phát triển, nên mức độ đau bụng sẽ tăng dần theo thời gian.
  • Nếu túi thai vỡ, thai phụ sẽ đau quặn bụng dữ dội, kéo dài liên tục kèm theo đau nhức vai, chân tay bủn rủn, toát mồ hôi, chóng mặt, hoa mắt, khó thở, thậm chí ngất xỉu.

Lúc này, thai phụ cần đến ngay bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và xử trí. Nếu chậm can thiệp, thai tiếp tục phát triển khiến túi thai vỡ gây tràn dịch ổ bụng, có khả năng vô sinh, thậm chí sản phụ bị nguy hiểm tính mạng.

8. Nhau bong non

Theo các chuyên gia y tế, nhau bong non là biến chứng thai kỳ nguy hiểm, có thể gây ra hiện tượng chảy máu do giảm sinh sợi huyết, choáng do mất máu, thận cấp, sinh non và thậm chí dẫn đến tử vong với mẹ và bé.

Trước khi bé được sinh ra, bánh nhau bong sớm một phần hay hoàn toàn được gọi là nhau bong non. Khi nhau thai đã bong ra khỏi thành tử cung đồng nghĩa với việc dòng máu nuôi dưỡng thai nhi cũng bị cắt đứt. Lúc này việc cần làm là đưa thai ra ngoài ngay. 

Theo thống kê, có khoảng 0,6-1% trường hợp mắc hội chứng nhau bong non trong thai kỳ. 10-15% trường hợp tử vong con trong 3 tháng cuối thai kỳ xuất phát từ nhau bong non.  

Những triệu chứng nhau bong non thường gặp bao gồm:

  • Đau bụng dữ dội và đột ngột (do các cơn co thắt tử cung gây ra). Ban đầu chỉ đau ở tử
  • Âm đạo ra máu loãng, sẫm màu. 
  • Tùy vào tình trạng nhau bong non mà thai nhi có tim thai biến đổi bất thường.
  • Trong quá trình thăm khám âm đạo phát hiện cổ tử cung giãn mỏng, căng phồng ở đoạn dưới tử cung và khi bấm ối thấy nước ối có màu hồng.
  • Mẹ có hiện tượng choáng (do mất máu nhiều), da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, mạch đập nhanh và huyết áp có thể bình thường hoặc giảm nhẹ.
  • Hơn 60% trường hợp nhau bong non có dấu hiệu tiền sản giật như phù, tăng huyết áp, protein niệu.
  • Bệnh lý, chấn thương từ bên ngoài (tai nạn, ngã, hoặc bị đánh trực tiếp lên vùng bụng).  
  • Sản phụ thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong khi mang thai, nước ối vỡ nhanh.  
  • Thực hiện một số thủ thuật xâm lấn khiến bánh nhau bị xuất huyết. Từ đó hình thành khối máu tụ sau nhau cũng là lý do khiến nhau bị bong sớm trước khi chuyển dạ.

Hiện tại, vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra tình trạng nhau bong non. Theo đó, bất cứ nguyên do nào dẫn tới hiện tượng vỡ mạch máu bánh nhau bám vào thành tử cung đều có thể dẫn đến nhau bong non.

9. Nhau tiền đạo

Nhau tiền đạo là tình trạng bánh nhau bám ở vị trí bất thường. Thông thường, nhau thai sẽ bám vào mặt trước hoặc mặt sau của phần đáy tử cung. Nhưng khi nhau thai bám vào đoạn dưới tử cung và cổ tử cung, che kín hoặc một phần cổ tử cung, gây cản trở đường đi của thai nhi khi chuyển dạ được gọi là nhau tiền đạo.

Theo thống kê, cứ 300 sản phụ sẽ có 1 người gặp phải tình trạng nhau tiền đạo. Con số này đang có xu hướng tăng lên trong vòng 30 năm trở lại đây.

Rau tiền đạo được phân thành 4 loại dựa vào vị trí bám:

  • Nhau tiền đạo bám thấp: Bờ bánh nhau bám vào dưới tử cung, đoạn chưa đến lỗ trong cổ tử cung.  
  • Nhau tiền đạo bám mép: Bờ bánh nhau bám tới bờ lỗ trong cổ tử cung.  
  • Nhau tiền đạo bán trung tâm: Bánh nhau che kín một phần lỗ trong cổ tử cung. 
  • Nhau tiền đạo trung tâm: Bánh nhau che kín hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung. 

Nhau tiền đạo là một trong những tai biến thai kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến tình trạng băng huyết trong thai kỳ và đe dọa đến tính mạng cả mẹ và bé khi sinh.

  • Đối với mẹ: Gây xuất huyết nhiều lần trong thai kỳ dẫn đến hiện tượng thiếu máu, dễ sinh non. Với trường hợp nhau tiền đạo bám gần cổ tử cung, bánh nhau sẽ bị bóc tách khiến cổ tử cung hở sau khi sinh, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng. Một số trường hợp thậm chí có thể phải cắt bỏ tử cung nếu bánh nhau cài chặt vào cơ tử cung, không tách được khỏi lớp niêm mạc tử cung.
  • Đối với bé: Do cơ thể của mẹ bị thiếu máu nên thai nhi có nguy cơ suy dinh dưỡng, suy thai và thậm chí sinh non. Ngoài ra, việc bánh nhau thai nằm ở phần dưới tử cung khiến thai nhi khó xoay đầu xuống, dẫn đến tình trạng ngôi thai ngược.

Tùy vào mức độ bám của nhau tiền đạo mà dấu hiệu nhận biết tình trạng này có thể khác nhau. Một số triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Âm đạo xuất huyết bất thường nhưng không gây đau đớn (tự cầm máu mà không cần điều trị), thường gặp ở 3 tháng cuối thai kỳ. Tình trạng này dễ tái phát với lượng máu ngày càng tăng.
  • Xuất huyết kèm các cơn đau bụng do co thắt tử cung.
  • Tim thai có những biến đổi bất thường.
  • Khi khám thai phát hiện ngôi thai bất thường (ngôi ngang, ngôi mông hoặc ngôi đầu cao).
  • Khi khám có thể sờ thấy bánh nhau qua cổ tử cung, đặt mỏ vịt nhận thấy máu chảy từ cổ tử cung.

Những nguyên nhân dẫn tới nhau tiền đạo:

  • Mẹ từng sinh nhiều lần, lớn tuổi (trên 35 tuổi).
  • Mẹ có tiền sử bị sảy thai hoặc nạo thai nhiều lần.
  • Mẹ có tiền sử bị viêm nhiễm tử cung, mắc nhau tiền đạo ở những lần mang thai trước.
  • Nhau thai lớn do mang đa thai; tử cung có hình dạng bất thường.
  • Thường xuyên sử dụng chất kích thích, đặc biệt là hút thuốc lá.

10. Nhau cài răng lược

Nhau cài răng lược là một trong những tai biến sản khoa hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm. Nhau cài răng lược xuất hiện khi nhau không bong tróc khỏi thành tử cung sau quá trình sinh nở, mà bám chặt vào cơ tử cung, thậm chí xâm lấn các cơ quan xung quanh. Nếu cài bám vào tử cung quá sâu, nhau không thể tự tách hoặc chỉ bong một phần khỏi thành tử cung dẫn tới nhiễm trùng hậu phẫu và những lỗ dò sau mổ.

Thông thường, nhau cài răng lược không có dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng đối với người mẹ trong quá trình mang thai. Một vài trường hợp có thể có xuất huyết âm đạo trong Tam cá nguyệt thứ 3 (tuần thai từ 28 – 40). Đây cũng được xem là nguyên nhân gây ra các tình trạng như băng huyết sau sinh, rối loạn đông cầm máu và có thể gây tử vong cho mẹ.  

Những trường hợp có nguy cơ mắc nhau cài răng lược:

  • Đối với sản phụ từng sinh mổ, bị nhau thai tiền đạo có khả năng bị nhau cài răng lược lên đến 25%. Tỷ lệ này là 40% đối với mẹ từng sinh mổ trên hai lần và hiện bị rau thai tiền đạo.
  • Sản phụ từng nạo hút thai.
  • Sản phụ mang thai ở độ tuổi ngoài 35.
  • Sản phụ có thói quen không lành mạnh như hút thuốc.

11. Sinh non

Chuyển dạ sinh non là quá trình chuyển dạ bắt đầu trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Bất kỳ trẻ sơ sinh nào được sinh ra trước 37 tuần đều có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe cao hơn. Trong hầu hết các trường hợp vì các cơ quan như phổi và não hoàn thành quá trình phát triển trong những tuần cuối cùng trước khi sinh đủ tháng (39 đến 40 tuần).

Trẻ sinh non có thể gặp phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: Bại não (thường kéo dài suốt đời), chậm phát triển tâm thần…

Một số tình trạng làm tăng nguy cơ sinh non bao gồm:

  • Thai phụ từng có tiền sử sinh con sớm.
  • Khoảng thời gian giữa hai lần mang thai ngắn.
  • Mẹ từng thực hiện phẫu thuật trên tử cung hoặc cổ tử cung.
  • Rối loạn khi mang thai: Đa thai hoặc chảy máu âm đạo.
  • Cổ tử cung ngắn.
  • Thai phụ có thể trạng yếu như nhẹ cân, suy dinh dưỡng.
  • Trong quá trình mang thai, mẹ có lối sống không lành mạnh, ít vận động, thường xuyên căng thẳng và lạm dụng chất gây nghiện (hút thuốc, uống rượu).

12. Vỡ ối sớm

Vỡ ối sớm là tình trạng vỡ ối tự nhiên của màng ối và màng đệm tại bất kỳ thời điểm nào trước khi có chuyển dạ. Túi ối là nơi nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi khỏi các tác động từ bên ngoài. Do đó, khi ối vỡ sẽ kích thích chuyển dạ để đưa bé ra ngoài. Nếu bé chưa đủ tuần tuổi, không có sự chuyển dạ xảy ra có thể dẫn đến nhiễm trùng ối, nhiễm trùng bào thai.

Hiện tượng vỡ ối sớm ở mỗi trường hợp cụ thể sẽ có những biến chứng và ảnh hưởng khác nhau. Nhìn chung, đây là một trong những biến chứng làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng tử cung và nhiễm trùng sau sinh, làm tăng nguy cơ sinh non hoặc kéo dài thời gian sinh ảnh hướng lớn đến sự an toàn của bé. Bên cạnh đó, vỡ ối sớm còn là thủ phạm khiến trẻ sơ sinh bị mắc bệnh viêm phổi.

Một số nguyên nhận dẫn tới hiện tượng vỡ ối sớm bao gồm: 

  • Ngôi thai bất thường: ngôi ngang, ngôi mông, ngôi đầu cao
  • Khung chậu hẹp
  • Nhau tiền đạo
  • Đa thai, đa ối
  • Hở eo tử cung, viêm màng ối (thường do nhiễm trùng âm hộ, âm đạo).

13. Sảy thai

Sảy thai là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng sảy thai do nguyên nhân tự nhiên trước 20 tuần. Các dấu hiệu có thể bao gồm ra máu âm đạo hoặc chảy máu, chuột rút, hoặc chất lỏng hoặc mô chảy ra từ âm đạo. 

Theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ (APA), có tới 20% các trường hợp mang thai ở phụ nữ khỏe mạnh sẽ bị sảy thai. Đôi khi, điều này xảy ra trước khi một người phụ nữ thậm chí còn biết về việc mang thai. Trong hầu hết các trường hợp, sảy thai không thể ngăn ngừa được.

Những triệu chứng sảy thai thường thấy là:

  • Xuất huyết âm đạo: Máu có màu đỏ tươi hoặc vón thành cục. Hiện tượng này có thể xuất hiện rồi biến mất trong vài ngày. Ngay khi thấy dấu hiệu này, sản phụ cần đến gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán chính xác nhất. Đặc biệt với những mẹ bị sảy thai liên tiếp thì càng cần phải thận trọng.
  • Có hiện tượng chuột rút, đau bụng dưới, đau ngực, người mỏi mệt. 
  • Dịch nhờn tiết ra từ âm đạo.
  • Đau bụng dai dẳng và dữ dội, tiêu chảy, nôn mửa.

14. Dị tật bẩm sinh

Dị tật bẩm sinh là những dị tật nặng cần được phát hiện và can thiệp kịp thời trong những ngày đầu sau sinh. Những dị tật ở trẻ sơ sinh cần can thiệp sớm, bao gồm:

  • Thoát vị màng tủy, thoát vị rốn, khe hở thành bụng.
  • Suy hô hấp: Lỗ mũi sau và thực quản bị teo, hẹp. Trẻ có nguy cơ mắc hội chứng Pierre Robin, thoát vị hoành, tim bẩm sinh.
  • Đường tiêu hóa bị tắc nghẽn: Không có hậu môn, hội chứng tắc ruột sơ sinh.
  • Dị tật cơ quan sinh dục: xoắn tinh hoàn, tinh hoàn ẩn. 
  • Lộ bàng quang.
  • Dị tật xương khớp.

Tùy vào từng giai đoạn mà có những dấu hiệu phát hiện dị tật ở trẻ sơ sinh khác nhau: 

  • Trước khi sinh: Dựa vào siêu âm chẩn đoán và các yếu tố nguy cơ như thai lưu, đa ối, thiểu ối.
  • Sau khi sinh: Dựa vào quá trình khám sàng lọc trong 24 – 48h đầu sau sinh.

15. Hội chứng truyền máu song thai

Hội chứng truyền máu song thai (TTTS) xảy ra trong thai kỳ khi người mẹ mang song thai cùng trứng và cùng chia sẻ một bánh nhau. Giữa mạch máu của hai thai nhi trong cùng một bánh nhau có sự thông nối, khiến máu của một thai sẽ truyền cho thai còn lại.

Theo đó, thai cho máu sẽ bị thiếu ối, kém phát triển và teo tóp dần. Trong khi đó, thai nhận máu có nguy cơ bị suy tim, phù thai, đa ối, bàng quang căng to, đa niệu do lượng máu quá nhiều, phát triển nhanh. Theo thống kê, tỷ lệ mắc hội chứng truyền máu song thai hiện tại là 0,1-1,9/1000 trẻ sinh ra.

Sản phụ mắc hội chứng truyền máu song thai có nguy cơ sinh non, nhiễm trùng ối. Đối với thai nhi, có nguy cơ bị suy tim thai, thiếu máu, thiếu oxy thai cho dẫn tới chết do suy bánh rau hoặc do thiếu máu mãn.

Nếu không được điều trị kịp thời, 90 100% trường hợp truyền máu song thai có nguy cơ lưu thai. Nếu một trong hai thai nhi tử vong thì 25% thai còn lại sẽ bị di chứng thần kinh nặng nề.

Những triệu chứng nhận biết hội chứng truyền máu song thai:

  • Tử cung phát triển lớn hơn so với kỳ hạn.
  • Thai phụ bị đau bụng, đau thắt hoặc co thắt.
  • Tăng cân đột ngột.
  • Vào thời kỳ đầu của thai kỳ, sản phụ bị sưng ở bàn tay và chân.
  • Nôn mửa, huyết áp tăng.

Hiện tại, nguyên nhân dẫn đến hội chứng truyền máu song thai (TTTS) ở sản phụ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, phần lớn xuất phát từ việc xuất hiện những bất thường trong mạch máu ở bánh rau.

Tai biến thai kỳ có nguy hiểm không?

Như đã đề cập, tai biến sản khoa có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào của thai kỳ mà không thể tiên lượng trước được. Tùy vào từng biến chứng và tình trạng cụ thể mà có thể đặc biệt nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến cả tính mạng của cả mẹ và bé.

Tai biến khi mang thai có thể xuất hiện ở bất kỳ người mẹ nào. Do đó, việc dự phòng tai biến sản khoa có vai trò vô cùng quan trọng. Những trường hợp biến chứng thai kỳ nếu không được can thiệp kịp thời sẽ tăng nguy cơ bệnh tật, các dị dạng cho thai, làm trẻ bị trì trệ, kém phát triển sau này. Thậm chí, làm gia tăng tỷ lệ tử vong cho mẹ, thai và trẻ sơ sinh.

Cách phòng ngừa tai biến sản khoa

Để phòng ngừa các tai biến trong thai kỳ một cách triệt để nhất, thai phụ cần phải quản lý thai kỳ tốt. Cụ thể, trong quá trình mang thai bạn nên thường xuyên đi khám thai định kỳ và sinh nở ở những cơ sở y tế uy tín, có chuyên gia giỏi, trang thiết bị hiện đại. Điều này sẽ giúp bạn sớm phát hiện các thai kỳ nguy cơ, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời, hạn chế tối đa rủi ro đối với mẹ và bé.

Cụ thể, những hoạt động thai phụ cần lưu ý để ngăn ngừa tai biến sản khoa:

  • Khám thai định kỳ đầy đủ, đúng lịch; đặc biệt là các mốc 11 – 13 tuần, 20 – 24 tuần, 30 – 32 tuần nhằm phát hiện và chẩn đoán sớm, để can thiệp kịp thời.
  • Thực hiện đầy đủ các bước kiểm tra, siêu âm, xét nghiệm cần thiết giúp tầm soát dị tật thai và bất thường nếu có.
  • Tiêm phòng uốn ván đầy đủ, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết (sắt, canxi…)
  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Ngay lập tức đến các cơ sở y tế khi gặp những dấu hiệu bất thường như: Đau bụng, chảy máu âm đạo, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, thai máy yếu, đau bên sườn hoặc khó thở.
  • Thực hiện chăm sóc kỹ lưỡng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ (cả sinh thường và sinh mổ).
  • Tránh chuyển dạ kéo dài.
  • Từ bỏ các thói quen không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích…

Theo dõi và chăm sóc sức khỏe thai kỳ toàn diện, đảm bảo quá trình sinh nở được diễn ra an toàn nhất.

Tai biến sản khoa là một trong những vấn đề khiến các mẹ luôn lo lắng trong suốt giai đoạn thai kỳ của mình. Tuy nhiên các biến chứng thai sản này hoàn toàn có thể được hạn chế và can thiệp kịp thời nếu được phát hiện từ sớm. Vì vậy, để con được chào đời khỏe mạnh, việc thăm khám thai định kỳ là rất quan quan trọng. Để có được kết quả chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng của mẹ và bé, hãy lựa chọn các bệnh viện có trang thiết bị xét nghiệm hiện đại và đội ngũ bác sĩ uy tín.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây